Thứ Năm, 3 tháng 8, 2023

Phụ đề

 Theo sự phát triển của kỹ thuật dịch thuật và theo nhu cầu truyền bá các tác phẩm hình ảnh sang một đất nước khác không sử dụng ngôn ngữ gốc, phụ đề được làm càng lúc càng nhiều, bằng tiếng mẹ đẻ (Việt) hoặc bằng tiếng nước ngoài (Anh). Tôi cũng thích xem phụ đề, vì sự tò mò và yêu thích.

Khi nhắc đến phụ đề, hẳn nhiên là bạn nghĩ ngay đến phim ảnh. Trước tiên, ngày nay hẳn là không có một bộ phim Việt nào đem chiếu rạp mà không có phụ đề tiếng Anh. Nhà sản xuất có lẽ nhắm đến việc xuất khẩu bộ phim của mình. Còn phim nói tiếng nước ngoài tất nhiên là được phụ đề bằng tiếng Việt. Một số người xem hơi khó khăn khi vừa phải nhìn hình, vừa phải nhìn phụ đề. Tuy nhiên, nếu đổi phụ đề bằng lồng tiếng thì chúng ta không nghe được tiếng nói thật của nhân vật, hơn nữa lại tốn kém hơn nhiều. Giải pháp trung hòa là thuyết minh phim, cũng là một điều tôi rất yêu thích khi vừa có thể 'nghe' phim, vừa chơi được trò chơi điện tử.

Một bài báo rất hay trên Tuổi trẻ cuối tuần bàn về phụ đề, vì sao phải đặt phụ đề tiếng mẹ đẻ ngay cả cho một chương trình được nói bằng thứ tiếng đó. Bài báo có nêu là nhân vật trong phim phải nói chuyện trong một môi trường ồn ào, và các diễn viên thoại càng ngày càng nhỏ :)) 

Tôi đồng ý với những nhận định trên, và tôi sẽ thêm vào một số ý kiến. Đầu tiên nói về thoại, những diễn viên, hoặc người chơi game show, hoặc người được phỏng vấn không những nói nhỏ, trong môi trường ồn ào, mà còn nói nhanh, nói giọng địa phương, hoặc do người Hàn Quốc, hoặc người Anh nói tiếng Việt chưa chuẩn. Tôi thích xem các chương trình phỏng vấn, hội thảo (talk-show), nhưng tôi không thích coi, hoặc nghe nhạc rap, bởi vì... tôi chơi game và tôi không muốn coi phụ đề cho nhạc rap. Vả lại, tốc độ bắn chữ trong nhạc rap không phải là tốc độ nói bình thường.

Tiếp theo, ngay cả một chương trình phát tiếng Việt, thì tôi cũng thích coi phụ đề, bằng tiếng mẹ đẻ, hoặc bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Phim, hoặc chương trình phỏng vấn, mà diễn viên, hoặc nhân vật cứ đến những từ khóa (key word, mot clé) thì bỗng nhiên nói giọng nhỏ lại, hoặc âm nhạc nổi lên đùng đùng lấn át thoại. Nếu bạn coi Youtube, hẳn nhiên là bạn phải tua lại coi nhân vật của chúng ta nói gì.

Hoặc tôi muốn xem phụ đề đơn thuần vì tò mò. Một số phim Việt được phụ đề bằng tiếng Anh rất kém, nến mức mà tôi tiếc rẻ: giá như mà dùng Google dịch để dịch lại đúng nguyên văn lời thoại, không phải là dịch thoát đến mức không chấp nhận được. Đó là việc tò mò về việc 'sao y' lời thoại ra văn bản. Đôi khi bạn gặp những bản dịch bán tự động, nghĩa là người làm nội dung video có thao tác chỉnh sửa trên bản dịch tự động rồi đăng lại cũng dưới dạng phụ đề.

Ngoài ra, tôi còn tò mò về việc nghe tự động và dịch tự động bằng máy dịch. Việc nghe dịch ấy có một bước tiến đáng kể, khiến cho nội dung đúng đến 90%. Tuy nhiên, vừa coi gameshow mà vừa coi máy dịch thì thật buồn cười! Nhưng quan trọng hơn cả là nếu bạn coi một chương trình bằng tiếng Nga, thì việc bật phụ đề bằng tiếng Việt là một phép giải cứu kỳ diệu! 

Tóm lại, kỹ thuật dùng phụ đề mang đến trải nghiệm tốt hơn cho người xem về mặt văn bản. Nó cũng giúp cho diễn viên hoặc người được phỏng vấn thoại hoặc phát biểu ý kiến tự nhiên, thoải mái hơn.


Thứ Năm, 22 tháng 6, 2023

Nhạc sĩ Đông Thiên Đức

 Bạn nghĩ gì về cái tên Đông Thiên Đức? Hướng về một nhân vật bước ra từ tiểu thuyết kiếm hiệp và xu hướng hoài cổ? Đấy là một nhạc sĩ đang nổi tiếng với bài hát Ngày mai người ta lấy chồng, bài hát đầy chất thơ. Khi tìm kiếm thông tin về người nhạc sĩ này, tôi tìm thấy nhiều điều thú vị khác.

Đông Thiên Đức sinh năm 1987, chả phải là một nhạc sĩ trẻ nữa! Trong nhạc mục của anh, có những bài nhạc Hoa lời Việt mà chúng ta không để ý người đặt lời là ai, chính là Một kiếp phong ba, hay Tình đơn phương! Theo báo chí (Tiền Phong, Người lao động), anh là người Bình Định vào Sài Gòn học công nghệ thông tin, trải qua nhiều khó khăn về kinh tế, hôn nhân. Để trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp, ngay từ độ tuổi đôi mươi anh đã đi học thanh nhạc để chuyển hướng nghề nghiệp.

Ai chung tình được mãi là một trong vài bài hát nổi tiếng của anh. Theo lời nhạc sĩ, bài hát ra đời từ hoài niệm việc vợ anh bỏ đi, mang theo đứa con. Cá nhân tôi trước khi biết hoàn cảnh ra đời bài hát, tôi thấy bài hát bình thường, giai điệu ballad quen thuộc, nhưng lời lẽ thì rất hợp với nhiều cuộc đời độc thân vui tính, sáng cafe, tối rượu bia một mình... nhưng chắc là không phải trách vợ hay người yêu mình bỏ đi.

Sao cũng được liệu là bài hát thể hiện tâm sự sau Ai chung tình được mãi, khi cơn đau đã nguôi ngoai thì người ta đi tìm kiếm những điều bình thường mới, bao gồm tình yêu mới, để gió cuốn đi những muộn phiền, những tâm sự cũ.

Ngày mai người ta lấy chồng là một câu chuyện khác và là một nỗ lực mới của tác giả.

Ai tìm ai trên phố vắng
Ngược lối cơn mưa chiều giăng giăng
Ai tìm ai dưới trăng
Nghiêng bóng ngõ dài vằng vặc
Ai đặt tên cho ký ức
Là nỗi đau của ngày hôm qua
Ai đặt tên chúng ta là người lạ?

Có lẽ nhân vật không tìm ai cả, chỉ là cảm thấy cô đơn, cảm thấy một người từng thương nay thành người lạ. Cái hay ở đây là những hình ảnh, âm thanh quen thuộc, tác động thẳng vào ngũ quan của chúng ta, tô đậm thêm cảm giác của chúng ta.

Có phải đêm qua thức trắng
Để gấp con tim làm hai ngăn
Ngăn phải ôm nỗi đau
Còn ngăn trái chứa hạt nhiệm màu
Kịp sáng mang đến làm quà cô dâu
Sợ mai kia sương phai, hoa úa áo nhàu
Anh đợi em, anh chọn ngăn nỗi đau

Đọc những dòng này, bất giác tôi nghĩ đến chữ tâm thức. Những tình cảm rất tự nhiên giữa một bên là nỗi đau, sự kém cỏi, sự bất lực, và một bên là vị tha, mong ước người mình yêu luôn hạnh phúc. Ở hai đoạn điệp khúc, vẫn là những hình ảnh nên thơ mà dữ dội của trạng thái thất tình đến thất thần. Hình ảnh lá diêu bông lại được sử dụng để minh họa cho một tình yêu đơn phương, một cố gắng tìm kiếm tình thương, thậm chí là sự thương hại, nhưng vô ích!

Nói chung, tôi quá mê Ngày mai người ta lấy chồng vì lâu lắm rồi không có một bài hát nào mà lời hát mang tính thơ - giàu hình ảnh và giàu tính ngụ ý, hoán dụ. Tổng thể, bài hát có giai điệu đẹp, nhưng đoạn đầu lặp lại giai điệu hơi nhiều. Giọng ca sĩ Thành Đạt nghe cũng hiền, trầm buồn, đúng với nội dung và ý đồ câu chuyện của bài hát.

Nói rộng ra về sự hưởng thụ âm nhạc của tôi, cảm thấy có khi phải chờ lâu mới nghe được bài hát ưng ý, có khi nghe cùng lúc ba, bốn bài hát hay, ngoài Ngày mai người ta lấy chồng, Sao cũng được, còn có Ôm em được không, Phố hoa lệ...

Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2023

Được định danh hay nặc danh trên thế giới mạng, tôi, người khác và ý muốn của Nhà nước

 Đọc báo mấy ngày nay, có lẽ những ai quan tâm đều biết thông tin Nhà nước muốn tất cả tài khoản mạng xã hội của người dùng đều được định danh - sau thành công của việc định danh số điện thoại di động (mà tôi không biết thực hư của thành công này). Tôi nghĩ ngay lập tức là tôi không muốn lãnh ảnh hưởng này!

Internet thuở sơ khai bắt đầu bằng những hộp thư, một người có vài ba hộp thư, điển hình là của mail.yahoo và operamail. Thỉnh thoảng có vài bức thư của người lạ mời vào nhận quà, hoặc trát của tòa án đòi phạt tiền hoặc án phí, có cả những đường link chứa virus để phá hoại máy tính... Mọi người quen dần với những loại thư lừa đảo này và nhiều phần mềm chống virus được cài đặt, giúp cho máy tính an toàn hơn, con người an tâm hơn. Tóm lại, người ta quen với sự tấn công nặc danh.

Rồi sau đó là những phòng chat room tập thể và cá nhân ra đời, web-camera được lắp đặt không phải chỉ để coi mặt nhau mà còn có thể coi nhiều thứ linh tinh khác. Về căn bản, người ta quen nhau bắt đầu từ con số không, qua tìm hiểu, giao tiếp, người ta biết nhau nhiều hơn, và người ta chỉ cần biết điều người ta muốn, không phải là tất cả. Đến lúc này thì Nhà nước chưa đặt ra vấn đề quan tâm cuộc sống của mỗi con người.

Sau đó thì mới tới sự ra đời đồng loạt các loại trang thông tin, cả ở dạng báo chí và thông tin doanh nghiệp. Trễ hơn một chút là các trang diễn đàn (forum) cho phép người dùng thông tin và được thông tin một cách tức thời.  Tôi lúc đó ở lứa tuổi đôi mươi say sưa viết tâm sự cá nhân, viết bình luận (gọi chung là nhật ký), copy bài viết báo chí hoặc dịch lại bài viết ra tiếng Việt để phổ biến trên nền tảng diễn đàn. Với tất cả những gì tôi làm, tôi có thể dùng chế độ nặc danh hoặc tư cách thành viên diễn đàn để viết bài. Đến lúc đó, tôi nghĩ một số người đã muốn biết tôi là ai, nhưng tôi vẫn còn nguyên quyền lựa chọn ẩn danh hoặc được định danh.

Với những bài viết thiên về khen ngợi, đặc biệt là chỉ trích một ai đó, tôi nhận được nhiều, rất nhiều phản hồi phản đối, chửi bới tôi và một số lượng tương ứng ý kiến ủng hộ tôi. Khái niệm 'tương ứng' này không nói về số lượng bài viết, mà nói về hiệu ứng đáp trả. Nhiều bài viết chửi bới nhiều và vô lý tới nỗi ban quản trị diễn đàn phải bỏ chức năng bình luận nặc danh và cấm tài khoản (nick) với những người vi phạm nội quy diễn đàn là hòa nhã và tôn trọng các thành viên khác. Nhìn chung, tôi khá sốt ruột, nói không tức tối là không đúng, và khá vui nhộn, nhưng tới hồi cuối, mọi căng thẳng (bây giờ người ta gọi là drama) đều được dẫn đến chỗ bình yên. Ở thời kỳ ấy, ít nhất trên báo chí tôi chưa nghe thấy khái niệm tội phạm 'bôi bác, xúc phạm nhân phẩm của người khác'. Hay là tôi gặp may chỉ bị xúc phạm trên thế giới ảo?

Nhưng trong một tuần nay, Nhà nước đang muốn các tài khoản trên mạng xã hội được định danh, được xác thực 'để hạn chế lừa đảo' trên mạng. Để ủng hộ cho ý tưởng này, báo Tuổi Trẻ chỉ nêu những tiện lợi của việc định danh, chẳng hạn như nếu mình phát biểu một ý kiến nào đó mang tính xúc phạm thì mình sẽ bị phạt, nếu mình 'lừa đảo' ai đó thì mình sẽ bị bắt, bị khởi tố. Thế giới lúc đó chỉ toàn màu hồng, bởi vì ai cũng cư xử hòa nhã, chừng mực với nhau, nhờ vào sự bảo kê, à, bảo hộ của Nhà nước. Tôi không biết được tới lúc đó nhiều người khác có biết ngày sinh của bạn, nơi ở của bạn, số điện thoại của bạn, cha mẹ của bạn hay không! 

Tóm lại, tôi không thích danh tính của tôi được xác định quá rõ ràng trên thế giới mạng: những thông tin về ngày sinh, địa chỉ, quan hệ bà con, suy cho cùng là những thông tin cá nhân và bí mật của tôi, bất khả xâm phạm trên thế giới mạng. Cơ quan công an hoặc Nhà nước có thể định danh, định vị tôi một cách rất dễ dàng (chứ không phải khó khăn như họ rêu rao) bằng nhiều cách khác trong thời buổi của VPN, IP, GPS, số điện thoại... Mất đi tính nặc danh, tôi không thoải mái hơn phát biểu ý kiến của mình. Tôi mất đi sự riêng tư trước khi giao tiếp với một người lạ, hoặc thậm chí trước một người không phải bạn tâm giao (mặc dù 50% sự thật về con người tôi được đăng công khai trên Facebook).

Sự thật là lừa đảo trên thế giới mạng và thế giới phi Internet thời nào cũng có. Dự thảo buộc 'định danh người dùng' không giúp giải quyết vấn để, nếu người dùng bị lừa lấy mất tài khoản, hoặc một tài khoản được tạo lập với 'thông tin định danh' là sai lạc hoặc lừa đảo. Hy vọng dự thảo/ dự án này không được thông qua, giống như đã từng xảy ra một kế hoạch thất bại muốn cấm Facebook và đưa Zalo ra thay thế.

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2023

Cần Thơ mùa Tết

 Chúng tôi kết thúc chuyến viếng thăm thiền viện Trúc Lâm Phương Nam vào chiều muộn, việc bây giờ là tìm khách sạn để qua đêm. Do chúng tôi có xe nên không việc gì phải tìm khách sạn ở khu trung tâm. Dù sao, chúng tôi lại quay lại con đường cũ, đi qua khu trung tâm lúc này xe cộ dần đông hơn, rồi băng qua cầu Quang Trung. Bạn tôi đã đi Cần Thơ vài lần nên nó khá rành địa bàn, xe chúng tôi chạy vào một khu dân cư mới vắng vẻ, tựa như khu Trung Sơn (quận 8, thành phố Hồ Chí Minh). Tôi sẽ cập nhật tên khách sạn sau, nhưng chúng tôi vào bàn tiếp tân, cân nhắc so sánh tới lui thì cũng chọn căn phòng hai giường giá cả hợp lý nhất là 350.000 đồng một đêm. Nghỉ ngơi, sạc pin điện thoại xong, chúng tôi xuống phố buổi tối.

Đường hoa Cần Thơ được đặt ở công viên Sông Hậu, cạnh một con đường lớn. Tôi quan tâm trước tiên lực lượng bảo vệ đường hoa là các anh công an, khác với đường hoa Nguyễn Huệ được tăng cường lực lượng bảo vệ của các công ty vệ sĩ. Đầu đường hoa, mọi người đã bắt đầu chen chúc vào. Thật không thể tưởng tượng được là mật độ người lại dày hơn cả đường hoa Nguyễn Huệ. Đường đi chật hẹp, mọi người kiên nhẫn chờ đến lượt mình chụp hình ở các tiểu cảnh. Có một bà thiếm bạo gan trèo vào giữa tiểu cảnh, đạp lên các chậu hoa để ôm cho bằng được con linh vật. 

Chúng tôi ra khỏi đường hoa đẹp, nhiều tiểu cảnh công phu nhưng đường đi chật hẹp để kiếm quán ăn. Quán ăn vặt Cơm cháy chiên giòn Má Bảy nghe thật dân dã, nhưng... giá cả đéo dân dã. Thì cũng do lỗi của chúng tôi muốn ăn sang xài đẹp như khách du lịch. Vẫn tình huống y chang lúc chiều, thực khách vào nườm nượp rồi ngồi chờ đợi. Được ở chỗ là trang trí quán bắt mắt, chỗ ngồi thoải mái và bạn có thể ngồi nhiều giờ liền. Một bánh cơm cháy kèm khô bò (như một cái bánh xèo), hai ly nước trà tắc làm tốn mất 120.000 đồng. Tôi thì bảo đây là giá nhà hàng, bạn tôi bảo giá một vốn mười lời. Tôi cảm thấy như bị lợi dụng, thành ra khi tôi về lại Sài Gòn, ăn một tô phở giá Tết là 50.000 đồng vẫn thấy rẻ chán!

Chúng tôi tiếp tục hành trình về hướng Bến Ninh Kiều, định bụng coi những chiếc thuyền hoa đăng dưới sông. Nhưng người và xe đông đến nỗi không có chỗ gởi xe, tôi để xe ở lề đường sát công viên ngồi chơi game, còn bạn tôi đi một mình ra bến.

Nói chung là tôi không cố gắng để đi thăm thú khung cảnh nhộn nhịp. Về lại khách sạn, tôi cũng lên phòng sớm, còn bạn tối ngồi hóng mát ở dưới sảnh và nói chuyện với chị chủ khách sạn.

Sáng hôm sau, chúng tôi rời khách sạn khá sớm, định là đi thăm càng nhiều nơi càng tốt. Chỗ vào thăm đầu tiên là một chùa Nam tông. Do nằm trong nội ô, chùa có một diện tích khiêm tốn, buổi sáng sớm nên cũng không có ai đến viếng. Mùi nhang thơm dìu dịu và khác lạ so với những mùi tôi được ngửi trước đó.

Sau đó tôi ghé ngang qua phố ông đồ, nhưng cũng chẳng có ai buôn bán. Dù vậy, một quán cafe lớn nằm bên cạnh, trong sân của một bảo tàng đóng cửa ngày Tết. Chúng tôi ở lại cafe khá lâu, lại ngắm một rừng người vào uống cafe ngày Tết. 

Sau đó, chúng tôi đi về hướng nhà cổ Bình Thủy, nhưng không ghé thăm cái nhà đó (cả hai đã đi thăm trước đó) mà thăm đình Bình Thủy, mà lời đề nghị từ phía bạn tôi. Chuyến viếng thăm xứng đáng, có thể nói đây là ngôi đình với đầy đủ các ban bệ, hoành phi câu đối, cả ông cọp và ông báo nhồi bông (khiến tôi sững sờ). Không gian cuối chánh điện dành cho việc xin xăm. 

Ngôi đình nằm cạnh con kênh lớn, mà nhìn sang phía đối diện là chùa Nam Nhã, chúng tôi cũng quyết định sang thăm bên ấy. Cũng là một chuyến viếng thăm bổ ích. Chùa Phật giáo nhưng do người Hoa lập, nên không gian khá khác lạ so với chùa người Việt. Lại thêm một cú sốc của tôi khi có người cúng dường 200.000 đồng không cần ghi lại tên tuổi! 

Chúng tôi cũng ghé vào nhà thờ chánh tòa Cần Thơ, nhưng chằng có ai viếng lễ vào mười giờ trưa. Chúng tôi cũng không được vào trong giáo đường. Ngoài sân có vài tiểu cảnh, gồm cả tiểu cảnh phòng khách một gia đình thời bao cấp. Sau đó chúng tôi đi ngang qua nhà cổ Bình Thủy, trên một con đường nhỏ hẹp. Nhà cổ nghỉ đón khách ba ngày Tết!

Đó là địa điểm cuối cùng trước khi chúng tôi về lại Sài Gòn. Dọc đường ở thành phố Vĩnh Long, tôi ăn cơm chiên dương châu, giá 40.000 đồng và cảm thấy đỡ ấm ức. Tôi về đến nhà lúc bảy giờ tối ngày mùng ba Tết mà không thấy mệt lắm.

Bạn hỏi sao tôi không đi chợ nổi? Vì tôi thấy đó là một sản phẩm thương mại, tôi cũng không có nhiều thời gian để trải nghiệm. Thành phố Cần Thơ rất rộng, nếu tính từ cầu Cổ Chiên đến trung tâm thành phố lên tới 50 kilometres, nhưng rộng không có nghĩa là giàu, là phát triển. Thành phố không thể giàu lên bằng cách biến đất nông nghiệp thành đất thổ cư rồi thu thuế nhà đất cho thật cao. Để giàu có, thành phố phải phát triển nhiều ngành dịch vụ và công nghiệp, trong đó có ngành du lịch. Nhưng chắc chắc đó không phải là du lịch chặt chém, lợi dụng sự cả tin của du khách. Vậy mà theo báo chí, Cần Thơ đón tiếp 350.000 lượt khách trong mùa Tết này, một con số thật ấn tượng!

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2023

Cần Thơ mùa Tết

 Theo như thông lệ, tôi có chuyến đi du lịch đầu năm, và điểm đến của dịp Tết này là Cần Thơ. Một vùng đất có lẽ quen thuộc với một số người nhưng tôi chưa thật sự tìm hiểu, khám phá nét sinh động của nó.

Vì sao là Cần Thơ, vì đã có nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ tôi đã thăm qua, chủ yếu ở trong các thành phố trực thuộc, không kể Tân An hay Mỹ Tho, tôi đã đến thị xã Kiến Tường, các thành phố Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc, Châu Đốc, Sóc Trăng; và bây giờ đến lượt Cần Thơ. 

Tôi cũng nhớ lại lần trước, trước mùa dịch, tôi dẫn khách xuống Cần Thơ (sau đó có một hướng dẫn viên khác hướng dẫn họ tham quan). Tôi lang thang hai tiếng đồng hồ dọc công viên bến Ninh Kiều, rồi công viên Sông Hậu. Sau đó tôi bắt xe ôm đi thăm nhà cổ Bình Thủy. Tầm 3 giờ chiều tôi đón xe khách về Sài Gòn. Ấn tượng của tôi là Cần Thơ rộng thật, ấn tượng thứ hai là Cần Thơ thưa người thật! Vì vậy, tôi rất muốn biết thật sự Cần Thơ im lìm hay năng động.

Tôi rủ một người bạn đi cùng, tất nhiên là cùng ngồi trên chiếc xe Wave hơn 16 tuổi của tôi. Tôi khởi hành một mình khá trễ, bảy giờ, xuống đến bến xe Long An đón bạn tôi, mà mất bốn mươi lăm phút chờ nó tại vì nó kẹt công chuyện gia đình, thành ra chín giờ mới đi tiếp. Tôi không ăn sáng, bạn tôi càng kén ăn hơn tôi, cho nên chúng tôi ghé vào một quán cafe và nằm võng ở đó cả tiếng đồng hồ. Ôi, hai ly cafe mà giá chỉ ba chục ngàn đồng! Phải nói cho rõ là tôi và một số người bạn rất thích câu kéo thời gian, bởi vì chúng tôi đi chơi chứ chả phải đi làm.

Một cơn mưa trước đó ở khu vực cầu Cần Thơ, nhưng khi chúng tôi đến thì đã tạnh mưa: đó là một ngày xuân với thời tiết dễ chịu, nắng không quá chói chang. Ôi, cầu Cần Thơ to và dài gấp rưỡi cầu Rạch Miễu và Mỹ Thuận, bảo sao mà nó được làm sau hai cây cầu kia, quá trình thi công cũng phức tạp. Đúng, chỉ có đi xe máy mới cảm nhận được rõ ràng sự mênh mông và hoành tráng, hơn là ngồi trong xe hơi. Ngay sau cầu Cần Thơ (địa phận thành phố Cần Thơ) còn có một cây cầu tiếp nối bắc qua một phụ lưu lớn của con sông Hậu. Tuy nhiên, cảm nhận được nguy hiểm (mấy ngày Tết, xe cộ khá đông đúc) khi lôi điện thoại ra chụp hình, tôi không có tấm ảnh nào về hai cây cầu này.

Qua khỏi cầu Quang Trung, cây cầu phân biệt nội ô và ngoại ô Cần Thơ, chúng tôi ghé vào một quán ăn mà chúng tôi cho rằng món ăn nhẹ nhàng, không ngán, món bún chả Nha Trang. Quán to, nằm ở ngã ba đường không thể nào bắt mắt hơn. Tôi thoáng thấy giá ghi bên ngoài là bảy chục ngàn đồng một phần, nhưng (1) xe đã lỡ dừng, (2) tôi hy vọng tìm được sự đặc sắc, ăn bao no của một phần nem nướng giá bất bình thường này và (3) chúng tôi đang đói, lúc đó là hơn một giờ chiều rồi! Vậy là vào, mà người ta vô quán rất rất đông, chúng tôi kêu món và ngồi chờ mười lăm phút, tất nhiên trong lúc chờ chúng tôi lướt điện thoại. Và, đồ ăn cũng bình thường, ăn không no, được một điều là các phần bún, bánh tráng chả, rau sống được đưa ra đồng đều, đến cuối buổi ăn không sót thứ gì. Món chấm là mắm nêm pha đậu phộng ăn ngon. 

Chúng tôi tranh thủ tìm địa điểm tham quan đầu tiên trước khi tìm khách sạn. Đó là Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam. Đường đi gió mát, cả một đoạn dài đi dọc theo con kênh. Nhưng hỏng một điều là xe chúng tôi tiến đến cổng phụ đã bị xây bít kín từ khi nào. Vậy là mất thêm mười phút nữa để sang cổng chính duy nhất. Nếu các bạn đã từng viếng các ngôi chùa bề thế, hẳn cũng tưởng tượng được sự rộng rãi, thoáng mát của sân chùa, điểm xuyết thêm vài hàng cây, chậu hoa. Tuy nhiên, cá nhân tôi không an yên khi trông thấy quá nhiều tượng, quá nhiều ban bệ, như thể mình đi lạc vào chốn triều đình phong kiến. Vài chục vị Quan âm và vài chục vị Bồ Tát, mà tôi cá là các tượng được thỉnh về từ Trung Quốc, rải rác lại có các tượng Quan Âm khác làm tiểu cảnh cho các Phật tử hoặc khách du lịch đứng lại chụp hình. Theo quan sát của tôi, chùa không tạo ra nhiều ao hồ và không nuôi cá chép, ngược lại nhà chùa nuôi một đôi chim công. Lại tiếp tục so sánh, thiền viện Trúc Lâm Phương Nam không bề thế, rộng rãi và độc đáo bằng Trúc Lâm Chánh Giác (ở Tiền Giang) và Trúc Lâm Trí Đức (ở Đồng Nai), các bạn có thể xem qua các album ảnh của tôi hoặc tìm hiểu trên thế giới mạng.

Từ ngoại thành Cần Thơ (huyện Phong Điền), chúng tôi muốn đi ngay vào đường hoa của thành phố, nhưng lúc đó đã là chiều muộn, nên chúng tôi phải đi kiếm khách sạn trước. (còn tiếp)

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2018

Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011