Thứ Năm, 16 tháng 2, 2023

Cần Thơ mùa Tết

 Chúng tôi kết thúc chuyến viếng thăm thiền viện Trúc Lâm Phương Nam vào chiều muộn, việc bây giờ là tìm khách sạn để qua đêm. Do chúng tôi có xe nên không việc gì phải tìm khách sạn ở khu trung tâm. Dù sao, chúng tôi lại quay lại con đường cũ, đi qua khu trung tâm lúc này xe cộ dần đông hơn, rồi băng qua cầu Quang Trung. Bạn tôi đã đi Cần Thơ vài lần nên nó khá rành địa bàn, xe chúng tôi chạy vào một khu dân cư mới vắng vẻ, tựa như khu Trung Sơn (quận 8, thành phố Hồ Chí Minh). Tôi sẽ cập nhật tên khách sạn sau, nhưng chúng tôi vào bàn tiếp tân, cân nhắc so sánh tới lui thì cũng chọn căn phòng hai giường giá cả hợp lý nhất là 350.000 đồng một đêm. Nghỉ ngơi, sạc pin điện thoại xong, chúng tôi xuống phố buổi tối.

Đường hoa Cần Thơ được đặt ở công viên Sông Hậu, cạnh một con đường lớn. Tôi quan tâm trước tiên lực lượng bảo vệ đường hoa là các anh công an, khác với đường hoa Nguyễn Huệ được tăng cường lực lượng bảo vệ của các công ty vệ sĩ. Đầu đường hoa, mọi người đã bắt đầu chen chúc vào. Thật không thể tưởng tượng được là mật độ người lại dày hơn cả đường hoa Nguyễn Huệ. Đường đi chật hẹp, mọi người kiên nhẫn chờ đến lượt mình chụp hình ở các tiểu cảnh. Có một bà thiếm bạo gan trèo vào giữa tiểu cảnh, đạp lên các chậu hoa để ôm cho bằng được con linh vật. 

Chúng tôi ra khỏi đường hoa đẹp, nhiều tiểu cảnh công phu nhưng đường đi chật hẹp để kiếm quán ăn. Quán ăn vặt Cơm cháy chiên giòn Má Bảy nghe thật dân dã, nhưng... giá cả đéo dân dã. Thì cũng do lỗi của chúng tôi muốn ăn sang xài đẹp như khách du lịch. Vẫn tình huống y chang lúc chiều, thực khách vào nườm nượp rồi ngồi chờ đợi. Được ở chỗ là trang trí quán bắt mắt, chỗ ngồi thoải mái và bạn có thể ngồi nhiều giờ liền. Một bánh cơm cháy kèm khô bò (như một cái bánh xèo), hai ly nước trà tắc làm tốn mất 120.000 đồng. Tôi thì bảo đây là giá nhà hàng, bạn tôi bảo giá một vốn mười lời. Tôi cảm thấy như bị lợi dụng, thành ra khi tôi về lại Sài Gòn, ăn một tô phở giá Tết là 50.000 đồng vẫn thấy rẻ chán!

Chúng tôi tiếp tục hành trình về hướng Bến Ninh Kiều, định bụng coi những chiếc thuyền hoa đăng dưới sông. Nhưng người và xe đông đến nỗi không có chỗ gởi xe, tôi để xe ở lề đường sát công viên ngồi chơi game, còn bạn tôi đi một mình ra bến.

Nói chung là tôi không cố gắng để đi thăm thú khung cảnh nhộn nhịp. Về lại khách sạn, tôi cũng lên phòng sớm, còn bạn tối ngồi hóng mát ở dưới sảnh và nói chuyện với chị chủ khách sạn.

Sáng hôm sau, chúng tôi rời khách sạn khá sớm, định là đi thăm càng nhiều nơi càng tốt. Chỗ vào thăm đầu tiên là một chùa Nam tông. Do nằm trong nội ô, chùa có một diện tích khiêm tốn, buổi sáng sớm nên cũng không có ai đến viếng. Mùi nhang thơm dìu dịu và khác lạ so với những mùi tôi được ngửi trước đó.

Sau đó tôi ghé ngang qua phố ông đồ, nhưng cũng chẳng có ai buôn bán. Dù vậy, một quán cafe lớn nằm bên cạnh, trong sân của một bảo tàng đóng cửa ngày Tết. Chúng tôi ở lại cafe khá lâu, lại ngắm một rừng người vào uống cafe ngày Tết. 

Sau đó, chúng tôi đi về hướng nhà cổ Bình Thủy, nhưng không ghé thăm cái nhà đó (cả hai đã đi thăm trước đó) mà thăm đình Bình Thủy, mà lời đề nghị từ phía bạn tôi. Chuyến viếng thăm xứng đáng, có thể nói đây là ngôi đình với đầy đủ các ban bệ, hoành phi câu đối, cả ông cọp và ông báo nhồi bông (khiến tôi sững sờ). Không gian cuối chánh điện dành cho việc xin xăm. 

Ngôi đình nằm cạnh con kênh lớn, mà nhìn sang phía đối diện là chùa Nam Nhã, chúng tôi cũng quyết định sang thăm bên ấy. Cũng là một chuyến viếng thăm bổ ích. Chùa Phật giáo nhưng do người Hoa lập, nên không gian khá khác lạ so với chùa người Việt. Lại thêm một cú sốc của tôi khi có người cúng dường 200.000 đồng không cần ghi lại tên tuổi! 

Chúng tôi cũng ghé vào nhà thờ chánh tòa Cần Thơ, nhưng chằng có ai viếng lễ vào mười giờ trưa. Chúng tôi cũng không được vào trong giáo đường. Ngoài sân có vài tiểu cảnh, gồm cả tiểu cảnh phòng khách một gia đình thời bao cấp. Sau đó chúng tôi đi ngang qua nhà cổ Bình Thủy, trên một con đường nhỏ hẹp. Nhà cổ nghỉ đón khách ba ngày Tết!

Đó là địa điểm cuối cùng trước khi chúng tôi về lại Sài Gòn. Dọc đường ở thành phố Vĩnh Long, tôi ăn cơm chiên dương châu, giá 40.000 đồng và cảm thấy đỡ ấm ức. Tôi về đến nhà lúc bảy giờ tối ngày mùng ba Tết mà không thấy mệt lắm.

Bạn hỏi sao tôi không đi chợ nổi? Vì tôi thấy đó là một sản phẩm thương mại, tôi cũng không có nhiều thời gian để trải nghiệm. Thành phố Cần Thơ rất rộng, nếu tính từ cầu Cổ Chiên đến trung tâm thành phố lên tới 50 kilometres, nhưng rộng không có nghĩa là giàu, là phát triển. Thành phố không thể giàu lên bằng cách biến đất nông nghiệp thành đất thổ cư rồi thu thuế nhà đất cho thật cao. Để giàu có, thành phố phải phát triển nhiều ngành dịch vụ và công nghiệp, trong đó có ngành du lịch. Nhưng chắc chắc đó không phải là du lịch chặt chém, lợi dụng sự cả tin của du khách. Vậy mà theo báo chí, Cần Thơ đón tiếp 350.000 lượt khách trong mùa Tết này, một con số thật ấn tượng!

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2023

Cần Thơ mùa Tết

 Theo như thông lệ, tôi có chuyến đi du lịch đầu năm, và điểm đến của dịp Tết này là Cần Thơ. Một vùng đất có lẽ quen thuộc với một số người nhưng tôi chưa thật sự tìm hiểu, khám phá nét sinh động của nó.

Vì sao là Cần Thơ, vì đã có nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ tôi đã thăm qua, chủ yếu ở trong các thành phố trực thuộc, không kể Tân An hay Mỹ Tho, tôi đã đến thị xã Kiến Tường, các thành phố Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc, Châu Đốc, Sóc Trăng; và bây giờ đến lượt Cần Thơ. 

Tôi cũng nhớ lại lần trước, trước mùa dịch, tôi dẫn khách xuống Cần Thơ (sau đó có một hướng dẫn viên khác hướng dẫn họ tham quan). Tôi lang thang hai tiếng đồng hồ dọc công viên bến Ninh Kiều, rồi công viên Sông Hậu. Sau đó tôi bắt xe ôm đi thăm nhà cổ Bình Thủy. Tầm 3 giờ chiều tôi đón xe khách về Sài Gòn. Ấn tượng của tôi là Cần Thơ rộng thật, ấn tượng thứ hai là Cần Thơ thưa người thật! Vì vậy, tôi rất muốn biết thật sự Cần Thơ im lìm hay năng động.

Tôi rủ một người bạn đi cùng, tất nhiên là cùng ngồi trên chiếc xe Wave hơn 16 tuổi của tôi. Tôi khởi hành một mình khá trễ, bảy giờ, xuống đến bến xe Long An đón bạn tôi, mà mất bốn mươi lăm phút chờ nó tại vì nó kẹt công chuyện gia đình, thành ra chín giờ mới đi tiếp. Tôi không ăn sáng, bạn tôi càng kén ăn hơn tôi, cho nên chúng tôi ghé vào một quán cafe và nằm võng ở đó cả tiếng đồng hồ. Ôi, hai ly cafe mà giá chỉ ba chục ngàn đồng! Phải nói cho rõ là tôi và một số người bạn rất thích câu kéo thời gian, bởi vì chúng tôi đi chơi chứ chả phải đi làm.

Một cơn mưa trước đó ở khu vực cầu Cần Thơ, nhưng khi chúng tôi đến thì đã tạnh mưa: đó là một ngày xuân với thời tiết dễ chịu, nắng không quá chói chang. Ôi, cầu Cần Thơ to và dài gấp rưỡi cầu Rạch Miễu và Mỹ Thuận, bảo sao mà nó được làm sau hai cây cầu kia, quá trình thi công cũng phức tạp. Đúng, chỉ có đi xe máy mới cảm nhận được rõ ràng sự mênh mông và hoành tráng, hơn là ngồi trong xe hơi. Ngay sau cầu Cần Thơ (địa phận thành phố Cần Thơ) còn có một cây cầu tiếp nối bắc qua một phụ lưu lớn của con sông Hậu. Tuy nhiên, cảm nhận được nguy hiểm (mấy ngày Tết, xe cộ khá đông đúc) khi lôi điện thoại ra chụp hình, tôi không có tấm ảnh nào về hai cây cầu này.

Qua khỏi cầu Quang Trung, cây cầu phân biệt nội ô và ngoại ô Cần Thơ, chúng tôi ghé vào một quán ăn mà chúng tôi cho rằng món ăn nhẹ nhàng, không ngán, món bún chả Nha Trang. Quán to, nằm ở ngã ba đường không thể nào bắt mắt hơn. Tôi thoáng thấy giá ghi bên ngoài là bảy chục ngàn đồng một phần, nhưng (1) xe đã lỡ dừng, (2) tôi hy vọng tìm được sự đặc sắc, ăn bao no của một phần nem nướng giá bất bình thường này và (3) chúng tôi đang đói, lúc đó là hơn một giờ chiều rồi! Vậy là vào, mà người ta vô quán rất rất đông, chúng tôi kêu món và ngồi chờ mười lăm phút, tất nhiên trong lúc chờ chúng tôi lướt điện thoại. Và, đồ ăn cũng bình thường, ăn không no, được một điều là các phần bún, bánh tráng chả, rau sống được đưa ra đồng đều, đến cuối buổi ăn không sót thứ gì. Món chấm là mắm nêm pha đậu phộng ăn ngon. 

Chúng tôi tranh thủ tìm địa điểm tham quan đầu tiên trước khi tìm khách sạn. Đó là Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam. Đường đi gió mát, cả một đoạn dài đi dọc theo con kênh. Nhưng hỏng một điều là xe chúng tôi tiến đến cổng phụ đã bị xây bít kín từ khi nào. Vậy là mất thêm mười phút nữa để sang cổng chính duy nhất. Nếu các bạn đã từng viếng các ngôi chùa bề thế, hẳn cũng tưởng tượng được sự rộng rãi, thoáng mát của sân chùa, điểm xuyết thêm vài hàng cây, chậu hoa. Tuy nhiên, cá nhân tôi không an yên khi trông thấy quá nhiều tượng, quá nhiều ban bệ, như thể mình đi lạc vào chốn triều đình phong kiến. Vài chục vị Quan âm và vài chục vị Bồ Tát, mà tôi cá là các tượng được thỉnh về từ Trung Quốc, rải rác lại có các tượng Quan Âm khác làm tiểu cảnh cho các Phật tử hoặc khách du lịch đứng lại chụp hình. Theo quan sát của tôi, chùa không tạo ra nhiều ao hồ và không nuôi cá chép, ngược lại nhà chùa nuôi một đôi chim công. Lại tiếp tục so sánh, thiền viện Trúc Lâm Phương Nam không bề thế, rộng rãi và độc đáo bằng Trúc Lâm Chánh Giác (ở Tiền Giang) và Trúc Lâm Trí Đức (ở Đồng Nai), các bạn có thể xem qua các album ảnh của tôi hoặc tìm hiểu trên thế giới mạng.

Từ ngoại thành Cần Thơ (huyện Phong Điền), chúng tôi muốn đi ngay vào đường hoa của thành phố, nhưng lúc đó đã là chiều muộn, nên chúng tôi phải đi kiếm khách sạn trước. (còn tiếp)