Thứ Năm, 3 tháng 8, 2023

Phụ đề

 Theo sự phát triển của kỹ thuật dịch thuật và theo nhu cầu truyền bá các tác phẩm hình ảnh sang một đất nước khác không sử dụng ngôn ngữ gốc, phụ đề được làm càng lúc càng nhiều, bằng tiếng mẹ đẻ (Việt) hoặc bằng tiếng nước ngoài (Anh). Tôi cũng thích xem phụ đề, vì sự tò mò và yêu thích.

Khi nhắc đến phụ đề, hẳn nhiên là bạn nghĩ ngay đến phim ảnh. Trước tiên, ngày nay hẳn là không có một bộ phim Việt nào đem chiếu rạp mà không có phụ đề tiếng Anh. Nhà sản xuất có lẽ nhắm đến việc xuất khẩu bộ phim của mình. Còn phim nói tiếng nước ngoài tất nhiên là được phụ đề bằng tiếng Việt. Một số người xem hơi khó khăn khi vừa phải nhìn hình, vừa phải nhìn phụ đề. Tuy nhiên, nếu đổi phụ đề bằng lồng tiếng thì chúng ta không nghe được tiếng nói thật của nhân vật, hơn nữa lại tốn kém hơn nhiều. Giải pháp trung hòa là thuyết minh phim, cũng là một điều tôi rất yêu thích khi vừa có thể 'nghe' phim, vừa chơi được trò chơi điện tử.

Một bài báo rất hay trên Tuổi trẻ cuối tuần bàn về phụ đề, vì sao phải đặt phụ đề tiếng mẹ đẻ ngay cả cho một chương trình được nói bằng thứ tiếng đó. Bài báo có nêu là nhân vật trong phim phải nói chuyện trong một môi trường ồn ào, và các diễn viên thoại càng ngày càng nhỏ :)) 

Tôi đồng ý với những nhận định trên, và tôi sẽ thêm vào một số ý kiến. Đầu tiên nói về thoại, những diễn viên, hoặc người chơi game show, hoặc người được phỏng vấn không những nói nhỏ, trong môi trường ồn ào, mà còn nói nhanh, nói giọng địa phương, hoặc do người Hàn Quốc, hoặc người Anh nói tiếng Việt chưa chuẩn. Tôi thích xem các chương trình phỏng vấn, hội thảo (talk-show), nhưng tôi không thích coi, hoặc nghe nhạc rap, bởi vì... tôi chơi game và tôi không muốn coi phụ đề cho nhạc rap. Vả lại, tốc độ bắn chữ trong nhạc rap không phải là tốc độ nói bình thường.

Tiếp theo, ngay cả một chương trình phát tiếng Việt, thì tôi cũng thích coi phụ đề, bằng tiếng mẹ đẻ, hoặc bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Phim, hoặc chương trình phỏng vấn, mà diễn viên, hoặc nhân vật cứ đến những từ khóa (key word, mot clé) thì bỗng nhiên nói giọng nhỏ lại, hoặc âm nhạc nổi lên đùng đùng lấn át thoại. Nếu bạn coi Youtube, hẳn nhiên là bạn phải tua lại coi nhân vật của chúng ta nói gì.

Hoặc tôi muốn xem phụ đề đơn thuần vì tò mò. Một số phim Việt được phụ đề bằng tiếng Anh rất kém, nến mức mà tôi tiếc rẻ: giá như mà dùng Google dịch để dịch lại đúng nguyên văn lời thoại, không phải là dịch thoát đến mức không chấp nhận được. Đó là việc tò mò về việc 'sao y' lời thoại ra văn bản. Đôi khi bạn gặp những bản dịch bán tự động, nghĩa là người làm nội dung video có thao tác chỉnh sửa trên bản dịch tự động rồi đăng lại cũng dưới dạng phụ đề.

Ngoài ra, tôi còn tò mò về việc nghe tự động và dịch tự động bằng máy dịch. Việc nghe dịch ấy có một bước tiến đáng kể, khiến cho nội dung đúng đến 90%. Tuy nhiên, vừa coi gameshow mà vừa coi máy dịch thì thật buồn cười! Nhưng quan trọng hơn cả là nếu bạn coi một chương trình bằng tiếng Nga, thì việc bật phụ đề bằng tiếng Việt là một phép giải cứu kỳ diệu! 

Tóm lại, kỹ thuật dùng phụ đề mang đến trải nghiệm tốt hơn cho người xem về mặt văn bản. Nó cũng giúp cho diễn viên hoặc người được phỏng vấn thoại hoặc phát biểu ý kiến tự nhiên, thoải mái hơn.