Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2023

Được định danh hay nặc danh trên thế giới mạng, tôi, người khác và ý muốn của Nhà nước

 Đọc báo mấy ngày nay, có lẽ những ai quan tâm đều biết thông tin Nhà nước muốn tất cả tài khoản mạng xã hội của người dùng đều được định danh - sau thành công của việc định danh số điện thoại di động (mà tôi không biết thực hư của thành công này). Tôi nghĩ ngay lập tức là tôi không muốn lãnh ảnh hưởng này!

Internet thuở sơ khai bắt đầu bằng những hộp thư, một người có vài ba hộp thư, điển hình là của mail.yahoo và operamail. Thỉnh thoảng có vài bức thư của người lạ mời vào nhận quà, hoặc trát của tòa án đòi phạt tiền hoặc án phí, có cả những đường link chứa virus để phá hoại máy tính... Mọi người quen dần với những loại thư lừa đảo này và nhiều phần mềm chống virus được cài đặt, giúp cho máy tính an toàn hơn, con người an tâm hơn. Tóm lại, người ta quen với sự tấn công nặc danh.

Rồi sau đó là những phòng chat room tập thể và cá nhân ra đời, web-camera được lắp đặt không phải chỉ để coi mặt nhau mà còn có thể coi nhiều thứ linh tinh khác. Về căn bản, người ta quen nhau bắt đầu từ con số không, qua tìm hiểu, giao tiếp, người ta biết nhau nhiều hơn, và người ta chỉ cần biết điều người ta muốn, không phải là tất cả. Đến lúc này thì Nhà nước chưa đặt ra vấn đề quan tâm cuộc sống của mỗi con người.

Sau đó thì mới tới sự ra đời đồng loạt các loại trang thông tin, cả ở dạng báo chí và thông tin doanh nghiệp. Trễ hơn một chút là các trang diễn đàn (forum) cho phép người dùng thông tin và được thông tin một cách tức thời.  Tôi lúc đó ở lứa tuổi đôi mươi say sưa viết tâm sự cá nhân, viết bình luận (gọi chung là nhật ký), copy bài viết báo chí hoặc dịch lại bài viết ra tiếng Việt để phổ biến trên nền tảng diễn đàn. Với tất cả những gì tôi làm, tôi có thể dùng chế độ nặc danh hoặc tư cách thành viên diễn đàn để viết bài. Đến lúc đó, tôi nghĩ một số người đã muốn biết tôi là ai, nhưng tôi vẫn còn nguyên quyền lựa chọn ẩn danh hoặc được định danh.

Với những bài viết thiên về khen ngợi, đặc biệt là chỉ trích một ai đó, tôi nhận được nhiều, rất nhiều phản hồi phản đối, chửi bới tôi và một số lượng tương ứng ý kiến ủng hộ tôi. Khái niệm 'tương ứng' này không nói về số lượng bài viết, mà nói về hiệu ứng đáp trả. Nhiều bài viết chửi bới nhiều và vô lý tới nỗi ban quản trị diễn đàn phải bỏ chức năng bình luận nặc danh và cấm tài khoản (nick) với những người vi phạm nội quy diễn đàn là hòa nhã và tôn trọng các thành viên khác. Nhìn chung, tôi khá sốt ruột, nói không tức tối là không đúng, và khá vui nhộn, nhưng tới hồi cuối, mọi căng thẳng (bây giờ người ta gọi là drama) đều được dẫn đến chỗ bình yên. Ở thời kỳ ấy, ít nhất trên báo chí tôi chưa nghe thấy khái niệm tội phạm 'bôi bác, xúc phạm nhân phẩm của người khác'. Hay là tôi gặp may chỉ bị xúc phạm trên thế giới ảo?

Nhưng trong một tuần nay, Nhà nước đang muốn các tài khoản trên mạng xã hội được định danh, được xác thực 'để hạn chế lừa đảo' trên mạng. Để ủng hộ cho ý tưởng này, báo Tuổi Trẻ chỉ nêu những tiện lợi của việc định danh, chẳng hạn như nếu mình phát biểu một ý kiến nào đó mang tính xúc phạm thì mình sẽ bị phạt, nếu mình 'lừa đảo' ai đó thì mình sẽ bị bắt, bị khởi tố. Thế giới lúc đó chỉ toàn màu hồng, bởi vì ai cũng cư xử hòa nhã, chừng mực với nhau, nhờ vào sự bảo kê, à, bảo hộ của Nhà nước. Tôi không biết được tới lúc đó nhiều người khác có biết ngày sinh của bạn, nơi ở của bạn, số điện thoại của bạn, cha mẹ của bạn hay không! 

Tóm lại, tôi không thích danh tính của tôi được xác định quá rõ ràng trên thế giới mạng: những thông tin về ngày sinh, địa chỉ, quan hệ bà con, suy cho cùng là những thông tin cá nhân và bí mật của tôi, bất khả xâm phạm trên thế giới mạng. Cơ quan công an hoặc Nhà nước có thể định danh, định vị tôi một cách rất dễ dàng (chứ không phải khó khăn như họ rêu rao) bằng nhiều cách khác trong thời buổi của VPN, IP, GPS, số điện thoại... Mất đi tính nặc danh, tôi không thoải mái hơn phát biểu ý kiến của mình. Tôi mất đi sự riêng tư trước khi giao tiếp với một người lạ, hoặc thậm chí trước một người không phải bạn tâm giao (mặc dù 50% sự thật về con người tôi được đăng công khai trên Facebook).

Sự thật là lừa đảo trên thế giới mạng và thế giới phi Internet thời nào cũng có. Dự thảo buộc 'định danh người dùng' không giúp giải quyết vấn để, nếu người dùng bị lừa lấy mất tài khoản, hoặc một tài khoản được tạo lập với 'thông tin định danh' là sai lạc hoặc lừa đảo. Hy vọng dự thảo/ dự án này không được thông qua, giống như đã từng xảy ra một kế hoạch thất bại muốn cấm Facebook và đưa Zalo ra thay thế.